Được học thử
Cam kết chất lượng
Email

giasutainangtre.vn@gmail.com

Tư vấn 24/7

090.333.1985 - 09.87.87.0217

Khó khăn của các cô giáo dạy trẻ tự kỷ

Xử lý sao khi một trẻ tự kỷ dùng bạo lực, nghịch phân hay không biết nhai…? Giáo viên giàu kinh nghiệm cho rằng chỉ có tình yêu và kỹ năng sư phạm mới dạy được trẻ.

Theo cô giáo Trần Thị Dung, giám đốc một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở thành phố Thanh Hóa, mỗi trẻ biểu hiện bệnh theo từng thể nặng nhẹ khác nhau. Có trẻ không thích vận động, hay khóc lóc, có trẻ lại suốt ngày nhảy lên, đâm đầu vào tường, có trẻ đụng tí là đánh bạn, có trẻ thâm trầm không chịu nói… Điểm chung của tất cả các em là thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội.

Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ cần kiên nhẫn gấp bội. Hầu như hành vi nào của các con cũng gây ra ức chế. Song là một người giáo viên phải yêu trẻ, chỉ có tình yêu với kỹ năng sư phạm mới có thể dạy bảo được trẻ.

tk1-5560-1406192365.jpg

Một giờ học cá nhân của trẻ tự kỷ. Ảnh: Trần Dung.

Trong lớp cô Dung có một bé gái tự kỷ từng bị ám ảnh vì bạo lực. Những ngày đầu đến lớp bé không hợp tác, rất sợ hãi các cô giáo. Chỉ cần cô giơ tay, bé đã có hành động ôm đầu, hoặc né tránh, co dúm người phòng thủ. Những hành động này cho thấy trước đây bé từng bị đánh nên mới sinh ra phản ứng tự vệ đó.

Để xóa bỏ hàng rào này với con, các cô yêu thương bé, luôn nhẹ nhàng dỗ dành em. Sau khoảng một tuần đến lớp, bé đã không còn biểu hiện trên, dần chủ động hòa nhập cùng các bạn, các cô. Hay như một năm trước cô Dung nhận dạy cậu bé tên Minh Ðức, 4 tuổi, có biểu hiện không ưng ý cái gì là nổi khùng, lao vào đánh bạn, húc đầu vào bụng các cô.

Để xử lý hành vi này, khi con chuẩn bị đánh bạn, cô Dung cầm tay con lại, dùng bàn tay nhỏ nhắn đó vuốt ve tay bạn và nói nhẹ nhàng “Minh Đức yêu bạn lắm, Đức không đánh bạn đâu”. Cứ khi nào con chuẩn bị dùng bạo lực là các cô vỗ về nhẹ nhàng xoa dịu tâm tính của con. Sau khoảng 4 tháng thì con hết hành vi này.

Muốn tăng khả năng giao tiếp cho Đức, các cô giáo dạy bé biết yêu cầu khi cần thiết. Dần dần em tìm sự giúp đỡ những khi khát nước, muốn đi vệ sinh hay bị bạn giật đồ chơi. “Con còn biết đi rửa cốc, bát khi cô yêu cầu. Dáng điệu khi đó của con rất vui, cười tủm tỉm. Từ chỗ không biết giao tiếp, con tỏ ra vui mừng khi được đi học. Giờ con còn biết nghe nhạc, khi có nhu cầu là cắm tai nghe, đưa cho cô và nói ‘Nghe nhạc'”, cô Dung cho biết.

Dạy chữ cho trẻ tự kỷ cũng rất vất vả. Như trường hợp của Đức phải mất 3 tháng để tập tô các nét cơ bản như hình vuông, hình tròn, cái ao. Sau đó mới cho tập viết chữ, mỗi ngày kèm khoảng một tiếng và sau chục ngày con có thể viết được một chữ. Theo cô Dung, trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm. Khi được can thiệp sớm và đúng cách các con có thể tự phục vụ bản thân những nhu cầu cơ bản như mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống, đánh răng… Nhiều trẻ vẫn đi học, vào đại học được. Có những trẻ còn phát triển được tài năng của mình.

tk2-4196-1406192365.jpg

Học sinh lớp 12 ở Hà Nội giúp đỡ những trẻ tự kỷ tại Làng trẻ em Phúc Tuệ. Ảnh: Phan Dương.

Cô Thao, giáo viên trung tâm trên kể về trường hợp cậu bé Thiên An, lúc nhập học bé 2 tuổi không biết tên mình, không biết mình là ai, không có giao tiếp ánh mắt, ngôn ngữ, cả ngày ngậm miệng. Hỏi gì bé cũng lơ ngơ không biết. Những ngày đầu cô Thao rất áp lực, sợ bệnh của bé nặng khó dạy dỗ được.

“Để bé biết nhìn vào mắt người khác, các cô thu hút con bằng cách tráo màu trắng đen, tráo tranh, tạo ra tiếng động để con nhìn theo hướng đó. Dần dần con hiểu những gì người khác nói và không còn thái độ thờ ơ với vạn vật xung quanh”, cô Thao kể.

Các cô giáo cũng áp dụng nhiều phương pháp khác, huấn luyện thính giác… cho Thiên An. Giờ đây cậu bé nhìn rất thông minh, đáng yêu. Đầu năm học tới bé sẽ đi học hòa nhập. Dù vậy mỗi ngày bé vẫn cần được can thiệp một giờ tại trung tâm dạy trẻ tự kỷ.

Cô Nguyễn Thu Hường, giáo viên một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội, chia sẻ về một học sinh tự kỷ từng có thói quen bốc phân. Thời gian đầu các cô giáo rất cực khổ phải tắm rửa, dọn phân, lau nhà cửa vì cậu làm vấy bẩn. Biểu hiện này của bé không có trong một giáo trình nào hướng dẫn. Các cô phải tự mày mò thử nhiều cách, cuối cùng cho trẻ sờ cát ướt hoặc bát gạo ướt mỗi khi đi vệ sinh thì bé không nghịch phân nữa.

“Có bé có sở thích thổi bọt liên tục, nước dãi của em lấm lét mặt mũi, ướt quần áo, ảnh hưởng đến các bé khác. Để bé không còn hành động đó nữa, các cô giáo phải cho bé chơi xà bông. Bé khác lại hay đập đầu vào tường, mỗi khi con như vậy các cô phải ôm chặt, hướng con sang hành động khác”, cô Hường chia sẻ.

Từng có thâm niên nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, cô Hường tâm sự những điều kể trên chỉ là nỗi vất vả vụn vặt trong nghề. Điều khiến người làm nghề này buồn nhất là thái độ xa lánh của xã hội, của một số gia đình có con mắc bệnh. Có những phụ huynh gặp cô giáo ngoài đường thì cúi mặt lảng tránh vì rất sợ chào hỏi mọi người sẽ biết con cái họ bị bệnh này. Không ít gia đình phó thác toàn bộ việc dạy trẻ cho các cô, không dạy dỗ con em mình ở gia đình, dù đã được hướng dẫn kỹ năng… Những điều trên càng làm khó khăn với nghề dạy trẻ tự kỷ nặng gánh hơn.

( nguồn từ www.vnexpress.net )

Bài viết liên quan

Cậu bé 16 tuổi viết chữ như đánh máy, nhưng mẹ cậu bé thở dài “đó là một căn bệnh”…
10 Sách lược hiệu quả để dạy trẻ tự kỷ
10 sách lược hiệu quả để dạy trẻ TK (tóm lược) 10 Sách lược hiệu quả để dạy trẻ tự…
10 Sách lược hiệu quả để dạy trẻ tự kỷ
Giới thiệu Hình ảnh điển hình về trẻ em khuyết tật ở Việt Nam là những đứa trẻ trông không…
Phục hồi chức năng trẻ tự kỷ
Giới thiệu Tự kỷ Là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt song chủ yếu là rối loạn…
Hướng can thiệp trẻ tự kỷ
Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển liên quan đến những bất bình thường, chậm, hoặc rối nhiễu…
10 Sách lược hiệu quả để dạy trẻ tự kỷ
10 Sách lược hiệu quả để dạy trẻ tự kỷ Sau đây là 10 sách lược hiệu quả nhất để…