Cu Tin được chẩn đoán rối loạn tự kỷ từ 25 tháng tuổi khi chị Hà đưa con đi khám vì con chậm nói, không thích nhai, trước giờ đi ngủ thường hay nhảy nhót, không nhìn theo hướng tay mẹ chỉ, không nhìn vào mắt mẹ…
“Mỗi lần tập luyện món mới cho bé là vất vả vô cùng. Do bé không thích nhai nên mình phải kiên trì dần dần, chêm thức ăn vào bột, cháo để bé tập làm quen. Sau hơn một năm can thiệp ở trường chuyên biệt, việc ăn uống của bé đã cải thiện hơn nhưng vẫn uống sữa là chính vì lười nhai”, chị Hà chia sẻ.
Nỗi trăn trở của chị Hà nhận được nhiều sự chia sẻ của những phụ huynh cùng chung hoàn cảnh tại buổi sinh hoạt do câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ tổ chức.
Trẻ tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong vấn đề ăn uống. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, trẻ tự kỷ thường chỉ thích ăn một số thức ăn nhất định và ghét một số thức ăn. Vấn đề thời gian ăn uống là khoảng thời gian rất khó với trẻ tự kỷ. Không ít trẻ bị rối loạn nhai và nuốt.
Theo bác sĩ Trang, vấn đề lo lắng chung của phụ huynh là việc cân đối dinh dưỡng của bữa ăn và những thức ăn trẻ thích. Phụ huynh cần ghi nhật ký món ăn, hành vi của trẻ, nhật ký ghi nhận những thay đổi về thức ăn và nguyên nhân. Bên cạnh đó, nên kiên trì dùng hình thức khen thưởng, khích lệ bằng hình ảnh, công cụ, lời nói để khuyến khích những động thái tích cực của trẻ. Trẻ tự kỷ rất khó làm quen với những sự thay đổi nên cha mẹ cần thay đổi từ từ, không ép buộc trẻ phải thực hiện những điều trẻ ghét.
Một rắc rối thường gặp nữa ở trẻ tự kỷ là vấn đề chăm sóc giấc ngủ cho trẻ. Trẻ tự kỷ khác với người bình thường, do sự khác biệt trong cơ chế não nên giấc ngủ với trẻ tự kỷ thường khó khăn hơn. Một số trẻ gặp khó khăn về việc kiểm soát hơi thở và giấc ngủ. Đa phần trẻ tự kỷ có kèm chậm phát triển trí tuệ. Trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ có rối loạn giấc ngủ nhiều hơn.
Phụ huynh cần tìm hiểu, để ý những lý do có thể làm cho trẻ bị khó ngủ, bị xáo trộn. Không nên vỗ về, ôm ấp trẻ quá nhiều. Không dỗ trẻ ngủ chung với mình rồi mới bồng bế trẻ về phòng. Không cho trẻ xem tivi đến khi ngủ quên.
“Nên làm đồng hồ hoặc chỉnh đồng hồ để trẻ có thể đi ngủ sớm hơn một chút. Nếu trẻ đặt điều kiện xem xong chương trình yêu thích mới đi ngủ, phụ huynh có thể thu lại chương trình và phát sớm hơn cho trẻ, tập dần dần mỗi ngày sớm hơn một ít”, bác sĩ Trang đưa ra lời khuyên.
Hiện có khả nhiều trẻ tự kỷ được can thiệp bằng thuốc. Khi dùng thuốc, phụ huynh cần đặt ra các câu hỏi như: Muốn điều trị gì cho con? Mục đích thuốc dùng để làm gì? Bằng chứng khoa học của thuốc? Tác dụng phụ của thuốc? Làm sao biết được hiệu quả, sự cải thiện của thuốc?
Bác sĩ Trang lưu ý, trẻ mắc chứng tự kỷ không phải lỗi của cha mẹ, giáo viên hay môi trường sống… Cần hiểu rằng khi mắc chứng tự kỷ, trẻ sẽ gặp khó khăn chung về ngôn ngữ, kỹ năng xã hội kém, khó khăn trong việc kết nối với cộng đồng. Thông thường, trẻ tự kỷ giống như máy ghi – phát, sao chép một cách máy móc. Những trẻ này cũng sẽ gặp vấn đề về giác quan, cảm xúc, về tổn thương não.
Tuy nhiên, có những người tự kỷ giỏi về kỹ thuật, lập trình, thiết kế tàu không gian, kỹ năng tư duy toán hoặc khả năng học nhiều ngoại ngữ rất giỏi, giải ô chữ rất nhanh, nhưng kỹ năng xã hội, giao tiếp, cộng đồng rất kém.
“Trẻ tự kỷ thường học tốt hơn qua hình ảnh, bắt chước giỏi, rập khuôn, ít hoặc không giao tiếp mắt, khó tập trung lâu dẫn đến việc nuôi dạy trẻ gặp nhiều trở ngại. Người nuôi dạy trẻ cần biết những đặc điểm này để hiểu và tận dụng hình ảnh để giúp trẻ trong việc dạy dỗ”, bác sĩ Trang chia sẻ.
nguồn từ www.vnexpress.net